Bốn bức tranh được công nhận là bảo vật quốc gia

Cập nhật: 2020-03-04 04:18:15
Lượt xem: 127

Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Các đợt công nhận

Đợt 1 (ký ngày 1/10/2012) 30 bảo vật
Đợt 2 (ký ngày 30/12/2013) 37 bảo vật
Đợt 3 (ký ngày 14/1/2015) 12 bảo vật
Đợt 4 (ký ngày 23/12/2015) 25 bảo vật
Đợt 5 (ký ngày 22/12/2016) 14 bảo vật

Trong 5 đợt Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia, chỉ có bốn bức tranh được công nhận bảo vật quốc gia và đều nằm trong đợt 2.

Dưới đây là danh sách các bức tranh được công nhận bảo vật quốc gia:

1. Tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc (Bảo vật quốc gia số 34)

Vườn xuân Trung Nam Bắc

  • Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh
  • Số đăng ký: BTMT 06
  • Chất liệu: Sơn mài
  • Kích thước: 540cm x 200cm.
  • Số lượng: 01 đơn vị hiện vật
  • Miêu tả: Tranh mô tả không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống, đi dự hội xuân, chùa chiền, cây cối xung quanh.
  • Hiện trạng: Còn nguyên vẹn
  • Niên đại: Từ năm 1969 đến năm 1989
  • Nguồn gốc: Mua của tác giả, họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993)
  • Lý do lựa chọn: Là hiện vât gốc, độc bản. Tác phẩm có thời gian sáng tác kéo dài trong 20 năm, khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989.

    Năm 1991, tác phẩm được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mua với giá 100.000 USD và trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

    Tác phẩm được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nó như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Đồng thời, tác phẩm cũng là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài: là tác phẩm có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ.

    Họa sĩ Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1936). Ông là họa sĩ bậc thầy, đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài; trong việc tìm tòi, sáng tạo để tạo ra một bảng màu mới và đưa sơn mài Việt Nam lên đến đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây về hình họa. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa và Thông tin chính thức công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.

2. Tranh Hai thiếu nữ và em bé (Bảo vật quốc gia số 35)

Hai thiếu nữ và em bé

  • Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
  • Số đăng ký: 168 D38
  • Chất liệu: Sơn dầu trên vải toan
  • Kích thước: Cao: 102cm; Rộng: 71,8cm
  • Số lượng: 01 hiện vật.
  • Miêu tả: Bức tranh vẽ một không gian thanh bình với hai phụ nữ mặc áo dài tha thướt ngồi tâm sự ngoài hiên nhà, bên cạnh có một bé trai đang ngồi chơi. Ba nhân vật được bố cục dạng tam giác tạo nên trạng thái tĩnh lặng, cân bằng, êm ả. Cùng với hòa sắc màu vàng ấm bao trùm tác giả đã tạo nên một hòa quyện tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên và dáng nét biểu cảm mền mại của hai người phụ nữ trong y phục áo dài truyền thống đằm thắm trang nhã.
    Nét đặc sắc của bức tranh: Bố cục dạng hình tam giác trong khung hình dọc của ba nhân vật là lối thức bố cục rất cổ điển của nghệ thuật hội họa phương Tây. Tuy nhiên không gian êm đềm với chiếc trõng tre, mành tre và cây vông hoa trắng, cùng trang phục áo dài của các nhân vật nữ lại thể hiện ra quang cảnh rất phương Đông, cũng như rất Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Bức tranh đã tạo ra sự kết hợp đầy rung cảm của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ phương Tây đương thời.
  • Hiện trạng: Tốt
  • Niên đại: 1944
  • Nguồn gốc: Tác giả, họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954)
  • Ghi chú: Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954), còn có bút danh Tô Tử, Ái Mỹ, quê tại Văn Giang, Hưng Yên, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1931. Ông được đánh giá là một trong bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996.
  • Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:
    - Giá trị lịch sử: tác phẩm đánh dấu một giai đoạn mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
    - Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm mang phong cách riêng biệt họa sĩ Tô Ngọc Vân bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam Cận đại.
    Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm đã toát nên sự tinh tế trong biểu cảm hình ảnh phụ nữ Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.
    - Giá trị văn hóa: Tác phẩm phản ánh nét đặc trưng của văn hóa xã hội Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám, trong cái nhìn của những trí thức thời bấy giờ. Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Tô Ngọc Vân tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Bức tranh là một trong những điểm nhấn góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông - Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình.

3. Tranh Em Thúy (Bảo vật quốc gia số 36)

Em Thúy

  • Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
  • Số đăng ký: 226 D96
  • Chất liệu: Sơn dầu trên vải toan
  • Kích thước: Cao: 60cm; Rộng: 45cm
  • Số lượng: 01
  • Miêu tả: Bức tranh vẽ chân dung bán thân của một nhân vật thực bé Thúy ngồi trên một chiếc ghế mây Tác giả đặc tả em bé gái với tinh thần lãng mạn, tinh tế, trong trẻo với hòa sắc sáng ấm với những đường cong nhẹ nhàng.
    Nét đặc sắc của bức tranh: Tác giả đã sử dụng lối bố cục điển hình kiểu Châu Âu thời đầu thế kỷ XX, để thể hiện tâm trạng của một em bé Việt. Bức tranh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ nghệ thuật phương Tây đương thời.
  • Hiện trạng: Tốt
  • Niên đại: 1943.
  • Nguồn gốc: Tác giả, họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 -1994)
  • Ghi chú: Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1906-1954), sinh tại Kiến An, Hải Phòng, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1936. Ông được xem là một trong bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996. Tranh đã được tu sửa năm 2005 bởi chuyên gia Auxtralia.
  • Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:
    - Giá trị lịch sử: tác phẩm mang giá trị đánh dấu một giai đoạn lịch sử của mỹ thuật Việt Nam cận đại nửa đầu thế kỷ XX
    - Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm mang phong cách riêng biệt họa sĩ Trần Văn Cẩn, bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam cận đại. Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả chân, cũng như tiêu biểu cho thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.
    - Giá trị văn hóa: Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Thông qua chân dung em Thúy, tác phẩm góp phần phản ánh hình ảnh xã hội Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám. Bức tranh là một điển hình góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông - Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình. 

4. Tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Bảo vật quốc gia số 37)

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ

  • Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
  • Số đăng ký:
  • Chất liệu: Sơn mài
  • Kích thước: cao 112,3 cm; rộng: 180cm
  • Số lượng: 01 hiện vật
  • Miêu tả: Bức tranh là tác phẩm dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính/ phụ. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm. Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong mang. Nhưng phía hậu cảnh lại là một chiến sĩ khác hối hả ra trận như thể sự mất mát đó chính là động lực và  nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Bức tranh là có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả và lẫm liệt.
    Nét đặc sắc của tác phẩm: Hình tượng các chiến sĩ Điện Biên đã được Nguyễn Sáng khắc họa bằng lối hình họa giản lược, chắc khỏe. Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần là các màu sắc trong hệ màu sơn ta truyền thống như đỏ son, vàng, bạc. Bức tranh đặc biệt có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu mốc quan trọng vào lịch sử nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.
  • Niên đại: 1956
  • Nguồn gốc: Tác giả: họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988)
  • Ghi chú: Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988), quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1943. Ông được đánh giá là một trong bốn nhân vật xuất sắc thuộc bộ tứ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996.
  • Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:
    - Giá trị lịch sử: ghi lại chân thực hình ảnh một cuộc kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, phản ánh tinh thần hào hùng, quyết liệt của cuộc chiến lịch sử của dân tộc - kháng chiến chống Pháp. Bức tranh góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu các giá trị lịch sử căn bản để dẫn đến thắng lợi lừng lẫy của chiến dịch Điện Biên Phủ.
    - Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm ghi nhận một phong cách tiêu biểu của một họa sĩ bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm là sự kế thừa lối tạo hình của nghệ thuật phương Tây với thủ pháp hiện thực chắc khỏe, nhưng lại mang đậm tinh thần, màu sắc Việt. Tác phẩm là minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật Sơn mài Việt Nam ngoài lối biểu hình kiểu trang trí trong mỹ thuật truyền thống.
    - Giá trị văn hóa: tác phẩm đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội như: cổ động tinh thần quân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - thời điểm bức tranh ra đời; ảnh hưởng đến các thế hệ họa sĩ sau thời Nguyễn Sáng với tinh thần là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam.

 

Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa

Các bài viết khác